Sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu

Sinh thái và thảm thực vật

Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu nằm phía Nam đèo Hải Vân và thuộc vùng sinh thái Rừng khô trên đất thấp nam Việt Nam, kéo dài từ phía Nam đèo Hải Vân đến Đồng Bằng Sông Cửu Long.[2] Khu vực này cũng thuộc Tiểu vùng sinh thái Rừng cây họ Dầu trên đất thấp ven biển phía Nam[3] thuộc Vùng Sinh thái Nam Trường Sơn, một trong 223 vùng sinh thái quan trọng được xác định bởi WWF,[4] Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu là một trong ít khu vực dọc theo duyên hải Việt Nam còn giữ được thảm rừng tự nhiên quan trọng chiếm ưu thế bởi rừng rụng lá cây họ dầu. Sự khô hạn và biệt lập của khu vực này dẫn đến sự phát triển các quần thể thực vật độc đáo. Thảm thực vật vùng bán khô hạn có giá trị cao và là nguồn tài nguyên dự trữ để khôi phục lại các khu vực khác, sẽ trở nên khô hạn hơn, có nguy cơ bị sa mạc hóa hoặc bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu.

Bản đồ Sinh thái cảnh quan do trung tâm Đa dạng sinh học và phát triển thành lập cho Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu[5] thể hiện 17 kiểu cảnh quan tự nhiên và nhân tác, trong đó kiểu thảm rừng bị tác động trung bình trên đất có bề mặt tích tụ, bào mòn đa nguồn gốc chiếm tỷ lệ quan trọng. Các kiểu cảnh quan đất ngập nước trong khu bảo tồn có diện tích nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng nước của khu vực và là nguồn nước quan trọng cho các loài động vật.

Các nghiên cứu về thảm thực vật đã ghi nhận 3 kiểu rừng chính gồm Rừng thưa hơi khô nhiệt đới, Kiểu rừng ẩm thường xanh trên đất đỏ bazan, Kiểu rừng chuyển tiếp giữa rừng thưa và rừng dày. Ngoài ra còn có Rừng tràm mọc ven biển, đất ngập nước, cây bụi và cồn cát ven biển, đất nông nghiệp.

Các kiểu phụ thảm thực vật như sau:

  • Kiểu phụ Miền thực vật thân thuộc với khu hệ thực vật Malaysia – Indonesia và khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam – Nam Trung Hoa
  • Kiểu phụ Miền thực vật thân thuộc với khu hệ thực vật Ấn Độ - Miến Điện và khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam – Nam Trung Hoa.
  • Kiểu phụ Miền thực vật thân thuộc khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam – Nam Trung Hoa và khu hệ thực vật Ấn Độ - Miến Điện – Malaysia – Indonesia.
  • Kiểu phụ nuôi trồng nhân tạo[1]

Đa dạng loài

Hệ thực vật

Các nghiên cứu trước đây đã ghi nhận 732 loài thực vật thuộc 123 họ với 14 loài thực vật quý hiếm như: Cẩm lai bà Rịa, Gõ đỏ, Gõ mật, Giáng hương, Bình linh nghệ… Trong số 123 họ đã được ghi nhận thì họ Dầu (Dipterocarpaceae) có tới 13 loài. Đặc biệt trong họ dầu có loài Dầu cát (Dipterocarpus caudatus) được coi là loài đặc hữu của Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu. Các nghiên cứu mới nhất về thực vật đã ghi nhận 796 loài thực vật trong khu bảo tồn (đã loại bỏ những loài cây trồng trong danh lục cũ) (Lưu Hồng Trường và cộng sự, 2012).

Hệ động vật

Các nghiên cứu tương đối đầy đủ về khu hệ động vật rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu trước đây đã ghi nhận 36 loài thú, 96 loài chim, 33 loài bò sát và 13 loài ếch nhái.[1]

Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (2000) đã ghi nhận 205 loài động vật có xương sống thuộc các lớp ếch nhái, bò sát, chim và thú (chiếm 91% số loài toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Trong đó:

  • Lớp ếch nhái: 12 loài thuộc 4 họ, 1 bộ trong đó có loài ếch giun là loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.[6]
  • Lớp bò sát: 38 loài thuộc 14 họ, 3 bộ trong đó có cả cá sấu nước ngọt và các loài rùa biển. Tuy nhiên, khu vực cồn cát ven biển hiện đã bị cắt ra khỏi khu bảo tồn nên các loài rùa biển cũng nên được đưa ra khỏi danh lục.
  • Lớp chim: 106 loài, trong đó 5 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam như: Gà lôi hông tía (Lophura diardi), Bồ câu nâu (Columa pucicea), Cú lợn rừng (Phodius badius) và Yến núi (Collocalia brevirostris).
  • Lớp thú: 49 loài thuộc 21 họ, 9 bộ chiếm 75% tổng số loài thú của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong đó có các loài quý hiếm như Khỉ đuôi lợn (Macaca leonina), Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus), các loài thuộc bộ ăn thịt như Báo hoa mai (Panthera pardus), Mèo gấm (Felis marmorata), Mèo rừng (Felis bengalensis), Chồn (Martes flavicula),các loài thuộc bộ móng guốc chẵn như Lợn rừng (Sus scrofa), Nai (Cervus unicolor); và Bộ gặm nhấm như: Sóc bay, Nhím, Thỏ rừng…

Từ năm 2000 đến trước nghiên cứu này, ít nhất 5 loài bò sát đã được bổ sung vào danh lục các loài bò sát của Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu nhưng với các nhóm loài động vật khác vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào.